Cảnh Báo Dịch Cúm: Đừng Chờ Đến Khi Quá Muộn
-
Người viết: Yuzuha
/
Dịch cúm đang bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản, khiến nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh trở nên cấp thiết. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc chủ động tiêm phòng trước mùa dịch là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất, thay vì chờ đến khi dịch lan rộng mới hành động.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc cúm mùa đang gia tăng tại nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á.
Tại Nhật Bản, mùa đông 2024 chứng kiến số ca nhập viện do biến chứng cúm tăng đột biến, được đánh giá là đợt dịch tồi tệ nhất trong 25 năm qua. Hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải, nguồn cung vật tư khan hiếm và đáng tiếc là đã có nhiều trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, các bệnh viện lớn ở Hà Nội cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm cúm nặng, bao gồm cả cúm A. Một số bệnh nhân phải can thiệp ECMO do bệnh nền phức tạp, cho thấy mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nếu không được kiểm soát kịp thời.
Nguyên nhân bùng phát và mức độ nguy hiểm của cúm
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh, Trưởng đơn vị Tiêm chủng - Thu Cúc TCI, cho biết virus cúm có thể tồn tại lâu trong môi trường lạnh. Cụ thể, ở nhiệt độ 0 - 4 độ C, virus có thể sống vài tuần, thậm chí kéo dài hàng năm ở nhiệt độ -20 độ C và đông khô.
Thời điểm sau Tết Nguyên đán thường có đặc điểm thời tiết lạnh, nồm ẩm - điều kiện lý tưởng để virus lây lan mạnh mẽ.
Triệu chứng cúm thường nhẹ ở người có sức đề kháng tốt, bao gồm sổ mũi, hắt hơi, ho, đau nhức cơ thể và sốt. Tuy nhiên, với những đối tượng dễ tổn thương như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc người có bệnh lý nền, cúm có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cơ tim, nhiễm trùng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Vaccine cúm – “tấm khiên” bảo vệ sức khỏe
Vaccine phòng cúm được khuyến nghị tiêm hàng năm, không chỉ vào mùa dịch mà ngay cả khi dịch chưa bùng phát mạnh. Điều này giúp cơ thể có đủ thời gian để sản sinh kháng thể, thường mất từ 2-3 tuần sau khi tiêm.
Bác sĩ Hạnh cảnh báo, nếu chỉ tiêm vaccine khi dịch đã lan rộng, người tiêm vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh do hệ miễn dịch chưa kịp tạo kháng thể đầy đủ. Vì vậy, các chuyên gia y tế luôn khuyến cáo nên tiêm phòng sớm để giảm thiểu rủi ro.
Dù vaccine cúm được khuyến khích cho tất cả mọi người, một số nhóm có nguy cơ cao cần đặc biệt lưu ý:
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi: Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị biến chứng.
- Người cao tuổi (trên 65 tuổi): Sức đề kháng suy giảm, dễ mắc bệnh nền nghiêm trọng.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Vaccine giúp bảo vệ cả mẹ và bé.
- Người mắc bệnh mãn tính: Đái tháo đường, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy thận, bệnh gan mãn tính.
- Nhân viên y tế, giáo viên, người làm trong môi trường đông người: Có nguy cơ lây nhiễm cao, cần chủ động bảo vệ bản thân và cộng đồng.
- Những người sống chung với người già, trẻ nhỏ hoặc bệnh nhân có bệnh nền: Tạo "lá chắn" bảo vệ cho những đối tượng dễ bị tổn thương.
Ngoài việc tiêm vaccine, mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, và tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn uống hợp lý.
Dịch cúm có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đừng đợi đến khi mắc bệnh mới lo phòng tránh. Hành động ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh!
Nguồn: báo Dân Trí
----------------------------------
Yuzuha Shop - Sức khỏe cha mẹ và Hạnh phúc trẻ thơ
Hotline: 0919 18 77 44 (08:00 AM - 17:30 PM từ T2 - T6)
Viết bình luận